Tháng 9

“Từ ngàn xưa Chúa đã dựng nên, 

Đèn trăng sao soi sáng trời đêm” 

(Lm Nguyễn Phước Hưng)

Tuổi thơ của thế hệ 8x, 9x và trước đó nữa luôn gắn liền với hình ảnh của những chiếc lồng đèn đầy màu sắc, với hương vị ngọt ngào của những chiếc bánh trung thu với cơ man nào là các loại nhân: đậu xanh, bí, dừa, khoai môn, thập cẩm…

Tết Trung Thu có nguồn gốc từ Trung Hoa, và du nhập vào Việt Nam đã lâu. Bạn có thể tìm được một khoảng thời gian nhất định để ngày này được gọi là “Tết Trung Thu”, nhưng trăng tròn tháng 8 thì đã có từ ngàn xưa. Khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, Ngài đã điểm tô bầu trời đêm bằng muôn vì sao tinh tú. Ngài ấn định trăng khuyết, trăng tròn, để ngày ngày cuộc sống con người lại có thêm nhiều điều thú vị.

Tết Trung Thu lại gắn với câu chuyện chị Hằng, chú Cuội và cây Đa. Sự tích về những nhân vật này, bạn có thể tìm thấy trên Google. Chị Hằng là hình ảnh của người thôn nữ dịu dàng với tâm hồn trong trắng, thuần khiết, không phải mưu mô lươn lẹo hoặc vội vã như trong cuộc sống xô bồ ngày nay.

Có nhiều câu chuyện kể về chú Cuội, nhưng nhiều người biết nhất có lẽ là chú Cuội vì tiếc rẻ cây Đa có phép “cải tử hoàn đồng”, nên đã ôm lấy cây đa mà bay về trời, rồi cả đời ngồi muộn phiền dưới cây Đa thổi sáo. Có nhiều khi bạn cứ ôm lấy nỗi sầu muộn, vì mải mê chạy theo những điều hư ảo, hoặc tiếc rẻ những thứ không thuộc về mình.

Trung Thu dù là Tết thiếu nhi, nhưng cũng là lời nhắc chúng ta về những điều tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại rất quan trọng: niềm vui và bình an thật sự chỉ có khi chúng ta mang trong mình một “tâm hồn trẻ thơ”. Đó là niềm vui đến từ nơi Thiên Chúa, niềm vui trọn vẹn mà chẳng thứ gì trên đời này có thể mang đến cho bạn được.

Leave a Comment